Lãnh đạo Casuco nêu một số khó khăn của đơn vị trước khi vụ ép mía bắt đầu.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp mía đường đã có 7 kiến nghị và đây cũng là những vấn đề khó khăn, đặt ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp trước khi niên vụ ép mới bắt đầu. Theo đó, vấn đề khó khăn nhất là tình hình đường lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ nên còn xuất hiện nhiều trên thị trường trong nước với giá bán rẻ, từ đó gây khó cho đường trong nước và dẫn đến lượng đường tồn kho đang ở mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Mặt khác, điều đáng quan ngại đang nổi lên hiện nay là một số tỉnh vùng ĐBSCL không có nhà máy đường nhưng vẫn cấp giấy phép cho một số cơ sở sang chiết, đóng gói đường để tiêu thụ, từ đó dẫn đến công tác chống đường lậu càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng đề xuất Chính phủ hoãn nhập đường nước ngoài, đường tái chế để giải phóng đường tồn kho trong nước; áp thuế kiểm soát chất ngọt của các doanh nghiệp khi dùng chất ngọt thay thế đường trong chế biến; xem xét miễn phần nào thuế cho doanh nghiệp đường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp đề nghị các ngân hàng nới lỏng thời gian thu nợ và có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn thu mua mía cho nông dân; xem xét thành lập quỹ mía đường…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, ghi nhận những khó khăn và kiến nghị của các nhà máy đường trong tỉnh, tới đây Sở sẽ tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh có đề xuất với Chính phủ để có hướng tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trước khi vào vụ ép mới. Riêng góc độ ngành sẽ có kiến nghị với UBND tỉnh có hướng giúp Casuco giải quyết đường tồn kho, nhưng trước mắt công ty cần tính toán lại mức giá cho hấp dẫn với đối tác. Về thời gian vào vụ ép của niên vụ mía sắp tới, các nhà máy đường xem xét tình hình thực tế mà chọn ngày cho phù hợp…
Theo Báo Hậu Giang